VỀ VỚI NGUỒN XƯA


  BLL GiaĐìnhMinhĐức        




     Bạn thân mến,

     Những dòng chữ này đến với bạn, trong tâm tư tôi muốn dần nhắc lại hình ảnh của một mái trường thân thương của chúng ta : Trường Trung Tiểu Học Minh Đức, nhắc nhớ lại hình ảnh một Pleiku sương mù gió bụi, đất đỏ mùa khô và bùn nhão mùa mưa, những khuôn mặt thân thương chợt như hiện về, không khí của những ngày cắp sách đến trường với những vui buồn, lo lắng, những kỷ niệm vụn vặt chợt theo nhau nối kết lại,

     Yêu làm sao mái trường xưa,
     Yêu làm sao thầy cô cũ,
     Yêu làm sao bè bạn, “tối trí” cũng như “sáng dạ”,

     Yêu làm sao những buổi học, đi trong sương mai, những buổi tan trường trong gió đông về, cặp ôm trước ngực, đàng sau có dăm ba bóng “mas” ( masculin ) lẽo đẽo trong thinh lặng, yêu làm sao những buổi dạo quanh sân trường, áo len đủ màu, áo dài trắng và hài đen kết cườm, đẹp nhẹ nhàng với má hây hây đỏ của tuổi mới lớn, tuổi trăng vừa tròn, tuổi con mắt bắt đầu biết lúng liếng nhìn bạn khác phái mà ái ngại, tuổi thích mượn vở bạn về để chép bài rồi như vô tình kẹp dính lại 1 tờ nháp, vẩn vơ 1 câu thơ xa gần ý nhị,

     Yêu làm sao dãy lầu vôi vàng, cánh cổng sắt xám, nâu loang lỗ những vết bẩn, tiếng trống trường mỗi sáng, thư viện nhỏ với những cây tạp chí Phổ Thông, bán nguyệt san Thời Nay, đầy dẫy kiến thức vào đời cho lũ học sinh choai choai, những cuốn sách từ một thư viên nào đó ở Đà Lạt gởi tặng, tuyệt hay và tuyệt đẹp,

     Yêu làm sao những chiều thứ bảy Minh Đức, đốt lửa giữa sân trường nói chuyện tình yêu học trò, chuyện thầy trò, và chuyện tương lai của những lớp trên khối 9, giữa tiếng củi than nổ lách tách. Đáng yêu và đáng nhớ những buổi văn nghệ Noel, Văn Nghệ cuối niên khóa, đi với phát phần thưởng, những phần thưởng to đùng, ưỡn cả người ôm mới có thăng bằng để đi, trên đường về với bao cái nhìn thán phục “thằng bé học giỏi” của người đi đường, mà phụ huynh không phải tốn 1 đồng đóng “mớm” phần thưởng cho con. Mấy đứa bạn đi theo đến tận nhà chia sẻ niềm vui, và hãnh diện lây vì mình chơi với 1 đứa học giỏi, gần đèn thì sáng mà…

     Yêu làm sao những tờ bích báo trình bày vụng về, bài vở luộm thuộm, chữ viết không đẹp lắm nhưng đoạt giải thưởng của trường vì không bị lai 1 đoạn văn nào của các tạp chí thiếu nhi, tự lực cánh sinh, tự tay làm tất cả và hầu như không ai cóp bài cả, vì đã được dạy rằng ăn cắp, đạo văn là một điều xấu, và xấu tồi tệ, xấu nhất trong cuộc đời…, và cũng được thầy cô dạy rằng những người không biết tự trọng sẽ chẳng ai trọng mình cả…

     Yêu làm sao những ngày cắm trại ở sân nhà thờ Phú Thọ, dưới bóng những cây cổ thụ, thì thầm trao nhau những câu nói, những cái nhìn kín đáo, hay cùng ngồi quanh đống lửa trại bập bùng ca hát, đến những khúc tình ca hay, khẻ nhìn anh bạn trai như ý nói với nhau “mình hát câu này cho bạn đó…”, Thác nhà thờ An Mỹ, hang đá Đức Mẹ đẹp biết bao, sau giờ sinh hoạt, đến dưới chân Mẹ, ngước nhìn, lòng khấn nguyện xin cho được chăm chỉ học hành, vui lòng cha mẹ, đẹp lòng thầy cô, hay đồi Hoa Lư với những trò chơi lớn, hàng đàn hàng lũ kéo nhau đi tìm mật thư, để về nhận quà, đôi khi quà chỉ có 1 hộp bánh mặn và những câu chúc nhau học hành tấn tới là vui sướng vô cùng cho đội thắng cuộc, hay những lần kéo nhau đi chơi ở Chùa Biển Hồ Trà, qua 1 đoạn đường trồng thông cao ngất 2 bên, nhà máy thơm ngát hương trà, ban giám đốc cho vào xem các cô chú công nhân đang vận hành máy sấy trà, trà thơm ngát hít vào không muốn thở ra,

     Yêu làm sao những roi vọt của thầy cô, của thầy giám thị, hiệu trưởng là để mong cho chúng mình nên người, dẫu rằng xã hội lúc này đã tiến xa hơn, có nhiều người không còn chấp nhận, ngành giáo dục cũng không chấp nhận kiểu “thương cho roi cho vọt” nữa; nhưng với những cây roi nhỏ, quất vào mông với những đứa trẻ đúng lúc, đúng lỗi có đau thật đấy nhưng không đau bằng những nỗi xót xa của cha mẹ, cung cúc, lắng lo cho những đứa con bằng những lao động cực nhọc mong cho con học nên người, mà không chịu vào lớp, chỉ có bàn bi-da Xuân Lợi, rạp hát Thanh Bình hay Diệp Kính, hay quán cà phê nào đó, Thiên Lý, Kim Liên nhạc, đau của những cây roi nhỏ không thấm vào lòng của “đám quỷ nhỏ”, không để lại trong đời chúng ta vết thẹo nào, mà nếu không có những cây roi nhỏ, làm rào cản, biết đâu cuộc đời buông thả của chúng mình có còn được như hôm nay không ?

     Một số anh chị em đã thành đạt, có vị trí tốt trong xã hội ngồi lại với chúng tôi vẫn huyên thuyên kể đến những ngọn roi này, nghe như hãnh diện, mà hầu như ai cũng nói : may mà có những cây roi kia nhắc nhở chứ không thì mình bụi đời khi đó rồi, có người cười ra nước mắt, thủa ấy gia đình mình nghèo, chỉ cần kiếm mối nhận bán cho mấy thằng lính Mỹ 10 gói cần sa là đủ tiền học phí cả năm, nhưng sợ mà không dám, nhìn thấy cha mẹ lam lũ vì mình mà cố gắng học… Bây giờ mấy đứa con, mình lo cho đủ thứ mà lại…rồi thở dài, ai mà biết được, tháng nào cũng sổ liên lạc đầy điểm tốt, cuối năm thấy xuất sắc mình cũng mừng, thấy suốt ngày ngồi với vi tính, môn học thời thượng đây… nào ngờ…

     Không phải nhắc lại nhiều, mỗi chúng mình đều có một phần tâm hồn gắn kết với Pleiku, dù ở xa tổ quốc, hay xa vùng đất này không quá vài trăm km, hầu như mỗi người vẫn nhớ.

      Nên chi, những dòng chữ này đến tay bạn, là cũng để cho bạn 1 khoảnh đất, một khoảnh sân chơi, bạn ơi, ghi nhớ những gì thuộc về kỷ niệm, một chút hoài niệm, còn một chút gì để nhớ để thương…


BLL Gia đình Minh Đức